Vì sao tôi sử dụng Blogger?

Monday, February 15, 2010 Unknown 0 Comments

Tôi là một người viết blog không chuyên, ban đầu tôi viết blog đơn giản chỉ là vì tôi muốn thử, nhưng rồi thấy yêu thích và cảm thấy khó có thể rời bỏ được nó. Vì sao tôi thích viết blog, một lý do thật đơn giản, hơi dài dòng, nhưng có thể bạn muốn nghe?

Trước kia, thời còn đi học, thứ mà tôi vẫn luôn thích nhất là quyển nháp (thực chất là tập-hợp-những-tờ-nháp). Không chỉ có vậy, sở thích kỳ lạ nữa của tôi là chỉ thích nháp vào những tờ nháp theo đúng nghĩa đen, nghĩa là những tờ giấy bỏ đi hay đã viết một mặt, thậm chí mới chỉ viết một vài ký tự (thứ mà tôi thường nhặt được cả đống khi vô tình quờ tay trong ngăn bàn). Tôi không thể viết nháp lên một cuốn vở mới, hay một tờ giấy phê đúp trắng tinh, không hiểu tại sao, chỉ là tôi không thể (hoặc không muốn). Sách giáo khoa là thứ cung cấp những kiến thức thực sự hữu ích, nhưng đồng thời nó cũng là thứ làm giảm tính sáng tạo của học sinh, nếu người đó không đủ tỉnh táo để thu nhận. Vở là công cụ ghi lại một cách thiếu sót những gì mà sách đã nói, nhưng nó cũng phát huy tác dụng nếu ta đủ tỉnh táo để ghi lại những kiến thức, kinh nghiệm quan trọng mà giáo viên truyền đạt. Hai thứ này đôi khi khiến ta cảm thấy bị cầm tù trong chính lớp học của mình, chỉ có những tờ nháp là thực sự giúp học sinh giải phóng tâm hồn.


Tôi không bao giờ viết lên sách giáo khoa, có một thứ gì đó (trong đầu tôi, tất nhiên rồi) luôn ngăn tôi động bất cứ ngòi bút nào lên quyển sách, có lẽ tôi đã từng nghĩ rằng viết lên sách giáo khoa là đã làm sai lệch một phần tính chính thống trong nội dung của nó chăng, vì thế mà sách giáo khoa của tôi lúc nào cũng trong tình trạng mới tinh, dù tôi đọc sách khá nhiều. Với vở viết cũng vậy, tôi phản đối mọi hình thức viết lách cẩu thả và bừa bãi lên vở, kể cả bìa và trang cuối cùng của quyển vở. Trong những năm cấp 2, tôi là một trong số những học sinh khá khẩm môn văn nhất, ban đầu cũng là nhờ vở sạch, chữ đẹp. Cấp 3, cứ có dịp là cô giáo chủ nhiệm lại giơ cuốn vở của tôi lên cho mọi người biết thế-nào-là-vở-sạch-chữ-đẹp; tôi còn nhớ có lần cô lấy quyển vở của tôi ra để một bạn nữ khác (vốn tính cẩu thả) biết quyển vở của bạn ấy trông tệ hại thế nào, việc đó khiến tôi muốn chui vào cái ngăn bàn ngay lập tức, suốt mấy tuần liền sau đó, tôi tập viết chữ xấu và cố gắng bôi bẩn lên quyển vở của mình, nhưng có vẻ không thành công lắm, tôi vẫn giữ quyển vở sạch đẹp cho đến những năm học đại học. Lên đại học, "danh tiếng" vở sạch chữ đẹp của tôi nhanh chóng được mọi người biết đến, cứ cuối mỗi kỳ học, kỳ thi tới, là mọi người lại tấp nhập đăng ký mượn vở để đi photo. Viết đủ bài, chữ dễ nhìn, sạch sẽ nên những quyển vở của tôi, mà theo lời nói đùa của lũ bạn, đã trở thành "tài liệu chuẩn quốc gia" ghi chép đầy đủ những lời giảng quý giá của thầy cô mà sách giáo khoa không có. Dù thế, thứ thực sự mang lại kiến thức cho tôi lại là những quyển nháp. Từ cấp 3, tôi bắt đầu "học" cách sử dụng nháp. Đi học thêm, bị nhồi vào trong cái lớp học có hơn 20 mét vuông mà có tới khoảng 40 người, không cựa quậy nổi tay chân, tôi chuyển sang dùng nháp kê lên đùi để viết (như đã nói, tôi không thể để quyển vở bị viết cẩu thả được), dần dần, quyển nháp trở thành công cụ hữu ích bậc nhất mà tôi từng sở hữu. Tôi cảm thấy được tự do khi viết lên những tờ nháp, chẳng cần căn lề, chẳng cần định dạng, tôi viết ra mọi thứ mình thích, vẽ ra mọi ý tưởng trong đầu. Sách vở tôi thì mới tinh, nhưng những tờ nháp thì trông thật khủng khiếp, nó chẳng chịt và chi chít, kéo dài từ đầu tờ này tới đuôi tờ kia, nhưng tôi luôn có thể hiểu được tất cả những gì viết trong đó. Tôi yêu những tờ giấy nháp.

Thời mới tham gia vào cộng đồng mạng, tôi tham gia các diễn đàn (forum), lập tức tôi nhận thấy bị hút hồn bởi một thế giới hoàn toàn mới lạ và cực kỳ rộng lớn, gấp nhiều lần thế giới tôi đang sống, ngạc nhiên là trước đó tôi không hề biết tới nó. Trong vòng vài tháng, tôi đã làm quen được với những thứ cơ bản nhất mà theo tôi nghĩ là nhờ nó mình có thể tự học hỏi thêm được nhiều thứ khác, chứ không còn trong giai đoạn xem-và-làm-theo nữa. Tôi tham gia rất nhiều forum (theo dữ liệu không đầy đủ của roborform thì là khoảng hơn 500 forums), viết nhiều bài hỏi và trả lời, nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng "nhập gia tùy tục", forum nào cũng có quy định riêng của mình, mọi thứ đều phải theo một khuôn khổ nào đó, những chuẩn mực, những quy tắc, nếu bạn muốn tồn tại trong một forum. Nó làm tôi nhớ đến những quyển vở sạch đẹp và cuốn sách giáo khoa mới tinh mà tôi đã giữ và nghĩ rằng mình nên đi tìm một bản nháp trực tuyến, rồi tôi gặp Yahoo! 360. Đây đã từng là mạng lưới kết nối tuyệt vời cho đến khi nó ngừng hoạt động. Yahoo! Blog Plus, Yummy hay Zingme là những mạng xã hội lai nhật ký vớ vẩn nhất mà tôi từng dùng thử (Tôi chưa từng thấy những cuốn nhật ký nào lại đi viết xấu, bôi nhọ người khác nhiều đến vậy). Tôi sử dụng Facebook từ lâu, nhưng nó là một mạng xã hội chứ không phải là một quyển nháp mà tôi tìm kiếm (và tôi cũng nhận ra rằng cái câu thành ngữ của VN "tai vách mạch rừng" thật hợp với Facebook). Cuối cùng, tôi mới tìm thấy Blogger, một quyển nháp tuyệt vời mà tôi đã vô tình bỏ sót. Post new entry, tôi tha hồ viết những thứ mình thích, những gì mà mình đã học được trên mạng và trong cuộc sống. Tôi chẳng cần quan tâm tới định dạng, chẳng để ý rằng bài của tôi có bị xét lỗi hay không, tôi chẳng cần phải chăm chút quá về câu chữ và lời văn. Tôi cũng chẳng quan tâm là có ai thèm đọc nó hay không, đối với tôi, blog đơn giản chỉ là những trang nháp để tôi viết ra những gì mà mình đã học được, hoàn toàn tự do và thoải mái.

Cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ những cuốn sách mới tinh, những quyển vở sạch đẹp, cả những bài viết ngay ngắn, gọn gàng trên các forum, nhưng thứ mà tôi học được nhiều nhất lại là từ những trang nháp, như Blogger.


0 comments: