Hai bức thư

Monday, December 14, 2009 Unknown 1 Comments

Nhân dịp khai giảng năm học mới, tổng thống Barack Obama có một bức thư chuyển đến các em học sinh trên toàn nước Mỹ:
Tôi đã nói về trách nhiệm của thầy cô giáo trong việc khuyến khích và thúc đẩy các em học.
Tôi đã nói về trách nhiệm của cha mẹ các em trong việc giúp các em đi đúng hướng, hoàn tất các bài tập về nhà thay vì dành mỗi giờ trong ngày trước tivi hay cái Xbox.
Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc thiết lập một chuẩn cao trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên và các vị hiệu trưởng ở những trường còn đang đi sau – nơi mà các em chưa có được cơ hội mà đáng lẽ các em phải có.
Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học.
[...]
Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay sở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng.
Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng.
Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình.
[...]
Đó là lý do tại sao hôm nay, tôi kêu gọi mỗi em cần tự ác định cho mình một mục tiêu và làm mọi thứ để đạt được nó. Mục tiêu đó có thể đơn giản chỉ là hoàn thành tất cả các bài tập về nhà, tập trung trong lớp hay dành thời gian mỗi ngày để đọc một cuốn sách. Có thể các em quyết định rằng mình sẽ tham gia vào một hoạt động ngoại khóa nào đó hoặc tham gia tình nguyện trong khu vực mình sinh sống.
Cho dù mục tiêu đó là gì đi nữa, tôi muốn các em đặt hết quyết tâm vào nó.
[...]
Đó là câu chuyện của những học sinh từng ngồi đây cách đây 250 năm và tiếp tục phát động cuộc cách mạng xây dựng nên đất nước này. Đó là những học sinh từng ngồi đây 75 năm trước và vượt qua cuộc khủng hoảng lớn để rồi dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, đấu tranh cho quyền bình đẳng và đưa con người lên mặt trăng. Đó là những học sinh từng ngồi đây cách đây 20 năm và sau này sáng lập ra Google, Twitter, Facebook và thay đổi cách chúng ta liên lạc với mọi người.
Hôm nay tôi muốn hỏi các em, các em sẽ có thể đóng góp điều gì? Các em sẽ phát minh ra những gì? Một vị tổng thống trong 20 hoặc 50 năm nữa khi quay lại đây sẽ nói như thế nào về những đóng góp của các em cho đất nước này?
[...]
Tôi hi vọng các em sẽ nỗ lực hết sức trong tất cả những gì mình làm. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong mỗi cá nhân các em. Đừng để tôi thất vọng. Đừng để cha mẹ, đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm chúng tôi tự hào về các em. Tôi biết các em có thể làm được điều đó.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp này cũng có một lá thư:
Năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng. Ngày càng nhiều địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở. Năm qua cũng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo  dục  cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và học tập. Chất lượng và hiệu quả giáo dục có tiến bộ, đặc biệt là về giáo dục đạo đức, pháp luật, giáo dục lý tưởng, ý chí, hoài bão để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học, cấp học đều tăng lên. Phần lớn các địa phương đều có thêm trường khang trang, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện dạy và học của thầy và trò từng bước được cải thiện… Đây là những kết quả quan trọng góp phần nâng cao dân trí, giáo dục công dân, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực và những thành tựu của ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đi đầu trong các cuộc vận động lớn và các phong trào thi đua của ngành, biểu dương các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
[...]
Tôi hoan nghênh ngành giáo dục phát động chủ đề cho năm học 2009 – 2010 là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Mục tiêu này phải được cụ thể hoá bằng nhiều chương trình hành động và phải trở thành hiện thực trong năm học mới. Các nhà quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên hãy phát huy các thành tựu, khắc phục yếu kém, cố gắng hơn nữa, nỗ lực và tâm huyết hơn nữa; hãy dấy lên phong trào thi đua mới trong giảng dạy và học tập theo hướng chất lượng, hiệu quả, toàn diện, phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra cho năm học 2009 – 2010 và những năm tiếp theo.

Hai bức thư. Hai cách nhìn.


(trích từ website Người Tập Viết)

1 comment:

  1. 1 lá thư trực tiếp hướng đến các em học sinh đưa ra những lời khuyên, sự kì vọng động lực phấn đấu cho bản thân mỗi người. Có lẽ TT Obama muốn nhắc các em học sinh Mĩ vì bản thân vì tự hào người Mĩ để phấn đấu.

    Còn lá thư của CTN Nguyễn Minh Triết chỉ đơn giản là 1 bài báo cáo trước quốc hội, nó không cùng mục đích như lá thư của TT Obama .

    ReplyDelete