TOP 10 sự kiện CNTT trong nước nổi bật nhất năm 2009

Thursday, December 10, 2009 Unknown 0 Comments

TOP 10 sự kiện CNTT trong nước nổi bật nhất năm 2009

Như thông lệ, cuối mỗi năm, chúng ta lại có dịp nhìn lại những sự kiện nổi bật đã diễn ra trong cả một năm. Năm 2009 qua đi mà không có quá nhiều biến động, nhưng nhữnitg sự kiện nổi bật nhất trong lĩnh vực CNTT Việt Nam cũng đủ lấp đầy danh sách “Top 10 sự kiện CNTT nổi bật trong năm 2009” mà tôi liệt kê dưới đây.

1. Yahoo! 360 đóng cửa
Mặc dù từ năm 2008 đã có thông tin là Yahoo! sẽ chính thức đóng cửa dịch vụ Yahoo! 360, nhưng đến đầu năm 2009 thì đại diện Yahoo! mới chính thức xác nhận các tin đồn này là chính xác. Các blogger Việt Nam bỗng chốc như “rắn mất đầu”, nháo nhác đi tìm nơi cư ngụ mới cho mình, dẫn đến hàng loạt bài viết review đánh giá mạng xã hội nào sẽ “thừa kế” thị phần béo bở này. Cuối cùng, Yahoo! 360 Plus đã không thể lôi kéo được người sử dụng Yahoo! 360 cũ, để vuột thị phần vào tay Facebook. Và cũng từ đây, người dùng Việt Nam bắt đầu làm quen với mạng xã hội mới mà trước đây họ thường than phiền là quá khó để sử dụng.
2. BKIS có những hành động thiếu suy nghĩ trong vụ truy tìm tin tặc
Mặc dù quảng bá thương hiệu là vấn đề quan trọng và rất cần thiết, nhưng không phải là theo cách mà BKIS đã làm hồi tháng 7/2009. Quay trở lại tháng 7/2009, khi mạng Internet của một số cơ quan chính phủ Mỹ và Hàn Quốc bị tấn công làm tê liệt, mọi nghi vấn quay sang phía Triều Tiên do tình hình căng thẳng giữa 2 miền lúc đó. BKIS, một thành viên của APCERT từ VN, đã tham gia khắc phục sự cố, nhưng ngay sau đó họ đã thông báo rộng rãi việc thực hiện “tấn công ngược” của mình vào 2 máy chủ đặt tại Anh. Sự việc trở nên phức tạp khi một chuyên viên của KrCERT (Hàn Quốc) gửi email yêu cầu BKIS đính chính. VNCERT sau đó có gửi công văn cho ĐH Bách khoa Hà Nội (cơ quan chủ quản BKIS) về sự cố.
Việc đánh bóng tên tuổi không đúng chỗ của BKIS khi đó không những đã “rút dây động rừng”, có thể tạo cơ hội cho các tin tặc xóa dấu vết, mà còn gây ra những lo ngại về việc VN có thể trở thành đối tượng tấn công trả đũa của các phe phái tin tặc trên thế giới. Đồng thời, việc này cũng cho thấy cả BKIS và VNCERT đều có những thiếu sót, làm việc không ăn nhập và thiếu chuyên nghiệp.
Sau đó APCERT cho biết họ không tham gia phản ứng hay phối hợp phản ứng trong sự kiện một thành viên của họ (BKIS) tự ý thực hiện có liên quan đến việc làm lộ một số thông tin nhạy cảm.
3. Thanh tra bản quyền phần mềm
Không phải là một vấn đề mới, nhưng năm 2009 có thể coi là năm bùng phát của vấn đề thanh tra bản quyền phần mềm, khi một loạt các công ty bị tranh tra đều vi phạm ở quy mô lớn. Công ty Rochdale Spear (100% vốn nước ngoài) có thể sẽ là trường hợp đầu tiên áp dụng Nghị định 47 về xử phạt vi phạm bản quyền tác giả, với mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng. Vấn đề bản quyền phần mềm hiện đang là một vấn đề được quan tâm, khi năm nay VN chính thức ra khỏi top 10 quốc gia vi phạm bản quyền phần mềm.
Trong năm 2009, có thể kể tới nhiều vụ thanh tra phát hiện vi phạm tại các công ty lớn như: nhà phát hành game số một Việt Nam VinaGame và Công ty tư vấn xây dựng Nagecco bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm tổng trị giá lên tới 5 tỷ đồng. Tiếp sau đó là công ty sản xuất gỗ Kaiser Việt Nam ở Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài) bị phát hiện sử dụng phần mềm không bản quyền trị giá gần 1 tỷ đồng, rồi đến tập đoàn Alphanam (100% vốn nước ngoài) vi phạm bản quyền phần mềm lên tới 800 triệu đồng. Việc xử lý các công ty này thì không thấy được báo chí đề cập tới.
Năm 2009 cũng là năm đầu tiên đánh dấu việc thanh tra bản quyền tiệm Net. Lần đầu tiên một trung tâm kinh doanh game và truy cập Internet ở Việt Nam bị cơ quan chức năng thanh tra bản quyền. Hôm nay, ngày 23/10, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng phần mềm máy tính tại Cyzone, trung tâm chơi game lớn ở Hà Nội thuộc sở hữu của Công ty TNHH Máy tính và Giải trí Kỹ thuật số Việt Nam.
4. Một số blogger bị bắt giữ vì có dấu hiệu “xâm hại an ninh quốc gia”
Thứ Năm (27/8/2009), blogger Bùi Thanh Hiếu (chủ blog “Người Buôn Gió”, sống tại quận Hoàn Kiếm, HN) đã bị bắt. Sau đó một ngày, phóng viên Phạm Đoan Trang của trang TuanVietNam.net (thuộc VietNamNet) cũng bị bắt giữ. Đầu tháng 9/2009, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết với tên blog là Mẹ Nấm cũng bị công an triệu tập ở Nha Trang. Sau đó tất cả đã được thả vào đầu tháng 9/2009. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga trong trả lời báo chí vào ngày 11/9 cho biết cơ quan an ninh Hà Nội tạm giữ hai blogger và nhà báo Phạm Đoan Trang là để điều tra bởi có dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia. Sự thật ra sao không rõ, nhưng nó đã nhiều báo chí nước ngoài đặt câu hỏi về quyền tự do ngôn luận tại VN. Vụ việc cũng dẫn tới hàng loạt những dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến quy định tại Nghị định số 97 (ngày 28/10), đồng thời lãnh đạo Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử khẳng định các trang TTĐT tổng hợp không được phép viết tin bài, chỉ được trích dẫn thông tin từ các báo.

5. Việt Nam lọt top 10 nước phát triển CNTT nhanh nhất
Theo báo cáo do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố ngày 31/3, Việt Nam đã tiến 15 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Development Index) toàn cầu và lọt vào nhóm 10 nước có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới.
Báo cáo trên đánh giá tốc độ phát triển ICT của 154 quốc gia trong giai đoạn 2002-2007, dựa trên các chỉ số chính về mức độ phổ cập, sử dụng và các kỹ năng ICT. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 92 trong số 154 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2002.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Philippines và Thái Lan về chỉ số phát triển ICT.

6. Google trả tiền bản quyền số hóa sách
Sự kiện này khiến tôi liên tưởng đến câu nói ví von “điện về làng” ngày trước. Tại VN, chuyện bản quyền vẫn chưa được coi trọng, vì thế việc Google “bỗng dưng” gửi thư đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học VN (VLCC) và các nhà văn đề nghị thỏa thuận về việc số hóa hơn 4.000 tác phẩm của VN trong dự án Google Books đúng là số tiền “từ trên trời rơi xuống”. Xưa nay, các tác giả VN đã quen với nạn ăn cắp bản quyền phần mềm một cách trắng trợn, ai có ngờ giờ đây người ta lại trả tiền bản quyền cho mình chứ. Tuy chưa biết trả tiền bản quyền trong dự án số hóa sách của Google sẽ đi tới đâu, nhưng ít nhất nó cũng là cơ sở cho những vụ việc liên quan đến vấn đề bản quyền sau này. Bản thân WFV cũng từng là nạn nhân của việc ăn cắp bản quyền một cách trắng trợn.
7. Ra mắt mạng di động Beeline tại Việt Nam
Ngày 20/7/2009, tại Hà Nội, công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (GTEL Mobile), liên doanh giữa Tổng Công ty viễn thông Toàn Cầu GTEL (GTEL Corp.) của Việt Nam và Tập đoàn VimpelCom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động hàng đầu thế giới tại Đông Âu và Trung Á, đã chính thức công bố ra mắt thương hiệu Beeline - mạng di động thứ 7 tại Việt Nam. Năm 2009 là năm đánh dấu hiện tượng “bão hòa” trong các dịch vụ di động. Không còn khách hàng mới để “tấn công”, Beeline đưa ra gói cước “Big Zero” miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 của cuộc gọi. Thời gian tối đa của cuộc gọi nội mạng trong gói cước này là 20 phút và không giới hạn số cuộc gọi miễn phí. Tiếp theo sau đó là hàng loạt các “chiêu độc” của Beeline khiến các đại gia di động khác như Vinaphone, Mobilephone, Viettel phải giật mình. Tính đến tháng 12/2009, Beeline đã mở rộng phủ sóng tới 19 tỉnh thành trên khắp cả nước.
8. Mạng 3G ra mắt tại Việt Nam
Chiều 12/10, VinaPhone đã là nhà mạng đầu tiên công bố cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường, phủ sóng 13 tỉnh, thành trên cả nước. Cùng ngày, nhà mạng "nặng ký" khác là Viettel cũng đã làm lễ nhận giấy phép băng tần 3G, chuẩn bị cho việc chính thức cung cấp dịch vụ trong nay mai.
Tuy nhiên, tôi xếp sự kiện này đứng thứ 8 vì độ “hot” của nó trước khi ra mắt thì khá cao, nhưng sau màn khai mạc thì lại không được như mong đợi. Người tiêu dùng còn quá dè dặt trong việc đăng ký dịch vụ 3G, một phần vì thiết bị hỗ trợ 3G không phổ biến bằng 2G, quan trọng hơn là việc hướng dẫn khách hàng trong việc đăng ký sử dụng 3G và các dịch vụ giá trị gia tăng còn quá sơ sài. Các khách hàng hầu như chỉ hiểu một cách mơ hồ là 3G có băng thông rộng hơn 2G, và có hỗ trợ cuộc gọi hình ảnh (video call), ngoài ra thì họ chẳng biết thêm chi tiết gì cả. Nhà triển khai dịch vụ 3G Vinaphone còn quá lúng túng trong việc này. Hy vọng sang năm tới họ sẽ làm tốt hơn, nhất là khi các đối thủ mới chính thức nhập cuộc.
9. Viettel được trao giải thưởng World Communication Awards 2009
Tối 25/11, tại Luân Đôn (Anh), Viettel đã vượt qua tên tuổi sừng sỏ Bharti Airtel (Ấn Độ) để trở thành “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển” của Giải thưởng World Communication Awards 2009. World Communication Awards 2009 là giải thưởng thường niên về viễn thông do Hãng truyền thông Terrapinn (Úc) tổ chức Ban giám khảo bao gồm các CEO, chuyên gia cấp cao viễn thông, CNTT, nhà báo đến từ các tổ chức, doanh nghiệp uy tín như Ovum, Economist, Frost & Sullivan, Unilever, Hiệp hội các mạng viễn thông châu Âu...
10. Việt Nam lần đầu vào Top 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm
Việt Nam được xếp trong top 10 quốc gia hàng đầu về gia công phần mềm ở khu vực châu Á và là nước có giá gia công rẻ nhất.
Việt Nam có mặt trong danh sách 10 quốc gia có dịch vụ gia công phần mềm đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2009 A.T.Kearney Global Services Location Index) của hãng tư vấn AT Kearney (Hoa Kỳ).
Việt Nam nhảy 9 bậc, lần đầu tiên có mặt trong top 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu, và là quốc gia có mức tăng thứ thứ hạng cao nhất trong khu vực châu Á.

Nguyễn Hoàng Long

0 comments: