Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa...

Saturday, August 22, 2009 Unknown 0 Comments

Cách đây 2 ngày, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã thông báo loại khỏi danh sách 38/160 hồ sơ học sinh, có nghĩa là những học sinh này giờ đây sẽ thực sự "thất học", vì các trường khác đã bắt đầu vào năm học từ hôm 17/8 rồi, và họ sẽ có hai lựa chọn:
1. Dựa vào "mối quan hệ" để tìm trường khác.
2. Cho con học trường dân lập.
Sở dĩ có "tai họa" này (đối với các phụ huynh và học sinh) là vì
từ ngày 1 - 15/7, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã bắt đầu nhận hồ sơ xin học của các học sinh đầu cấp (tức là lớp 1). Điều đáng nói ở đây là năm học 2009 - 2010, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép tuyển 120 chỉ tiêu vào lớp 1, nhưng trường đã nhận hơn bộ hồ sơ thậm chí có lúc gần 170 hồ sơ, đồng thời thu 500.000 VNĐ/HS tiền xây dựng trường lớp, trong khi theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nộilà 40.000 VNĐ.

N
gày 12/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu trường thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ tiêu đã được duyệt và căn cứ vào đơn xin học của phụ huynh học sinh, nhà trường xét tuyển theo thứ tự ưu tiên.Vậy là tai họa giáng xuống đầu phụ huynh và học sinh.

Như vậy ở đây có mấy vấn đề gây khó hiểu (mà ai cũng hiểu):
  • Với trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu:
1. Tại sao trường nhận quá chỉ tiêu cho phép? (Mặc dù năm ngoái chính trường này cũng nhận quá chỉ tiêu cho phép và đã bị khiển trách).
2. Tại sao trường
thu tiền xây dựng trường 500.000 VNĐ trong khi số tiền theo quy định là 40.000 VNĐ?
3. Trường xét theo điều kiện nào để loại các HS trong danh sách trên?
  • Với Sở GD&ĐT Hà Nội:
1. Tại sao trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã 2 lần gửi công văn xin tăng thêm chỉ tiêu (vào các ngày 20/7 và 1/8) mà Sở không hồi âm, mà đợi đến ngày 12/8 mới trả lời? Khi đó thì thời hạn nhận hồ sơ nhập học đâu còn??? (thời hạn nhận hồ sơ từ 1/7-15/7).
2. Sở có nói "thứ tự ưu tiên", vậy "thứ tự ưu tiên" là gì?

-----------------------------------------------------------------------

Ông Phạm Hữu Quỳ (ảnh bên), Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trả lời phỏng vấn về việc 38 hồ sơ vào lớp 1 bị loại ngày 20/8 vừa qua.


Thưa ông, tại sao Sở chỉ cho phép trường tuyển 120 chỉ tiêu vào lớp 1 mà trường lại nhận hồ sơ vượt lên đến gần 170 chỉ tiêu?

Trường thuộc Sở, vì thế chúng tôi có thể nhận học sinh nhiều tuyến, nhiều nơi. Do vậy, việc tuyển sinh đầu tiên là chúng tôi tuyển con, cháu của các giáo viên trong trường, ban phụ huynh của nhà trường, con cháu của các vị lãnh đạo hoặc cán bộ các cơ quan quản lý, cơ quan chính quyền các cấp, cũng như các cơ quan có quan hệ với nhà trường.

Giữa tháng 7 thấy đơn vào lớp một nộp học nhiều, chúng tôi làm công văn báo cáo Sở nói rõ tình hình và vượt quá số lượng cho phép nhưng sau đó ngày 12/8, Sở đã có công văn trả lời không đồng ý. Công văn đề nghị nhà trường thực hiện đúng tuyển sinh của sở; sắp xếp theo thứ tự, cắt từ dưới lên.

Được biết, năm 2008, trường đã vượt quá chỉ tiêu mà Sở cho phép, trường đã nhận khuyết điểm. Tại sao năm nay trường biết sai mà vẫn làm?

Biết là không làm được như vậy nhưng chúng tôi hy vọng là được Sở châm chước như các trường khác ở quận huyện khác. Nhưng cuối cùng Sở không chấp nhận nên chúng tôi phải làm theo quyết định của Sở.

Tôi cảm thấy xấu hổ với phụ huynh vì họ tin tưởng mà chúng tôi không đáp ứng được chúng tôi không còn cách nào khác.

Theo quy định tiền xây dựng đầu năm học mới chỉ thu của mỗi học sinh 40.000đ, tại sao nhà trường lại thu tới 500.000đ?

Mặc dù trường thuộc Sở nhưng hiện cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp, việc xin kinh phí thành phố để xây mới lại trường vẫn chưa được giải quyết. Số tiền xây dựng 40.000đ/học sinh hàng năm được hơn 4 triệu chỉ đủ quét vôi đầu năm học.

Tất cả học sinh lớp 1 và 6 khi vào học, chúng tôi có làm việc với ban phụ huynh học sinh và kêu gọi họ đóng góp thêm cho trường, khoản đó từ 300 đến 500, ai có điều kiện đóng thêm, chúng tôi gọi là quỹ sửa chữa lớn.

Sau khi thu xong, chúng tôi có báo cáo lên phòng Kế hoạch tài chính của Sở.

Sở yêu cầu trường căn cứ vào đơn xin học của phụ huynh học sinh, nhà trường xét tuyển theo thứ tự ưu tiên. Vậy đối tượng nào được ưu tiên?

Quan điểm của trường là xếp 1 đến 152 theo thứ tự thì rất khó vì còn có những mối quan hệ. Chúng tôi đã phải cắt cả phần cháu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường… Ngoài ra, trường rà soát lại những mối quan hệ xa, mức độ vừa phải, hẹp, thì… cắt.

Xin cảm ơn ông!


(Dân Trí)

-----------------------------------------------------------------------

Như vậy, nếu theo hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nói, thì trường nhận hồ sơ vượt quá chỉ tiêu là do các "mối quan hệ" của trường với những cá nhân, tổ chức khác, và theo "cao kiến" của Sở GD&ĐT Hà Nội thì sẽ tiếp tục dựa vào các "mối quan hệ" này để loại những học sinh không đủ điều kiện ra khỏi trường, không cần biết là đúng tuyến hay trái tuyến, cứ là học sinh không có "mối quan hệ" thì sẽ bị tống cổ. Rất rõ ràng và minh bạch!

Như vậy, những gia đình nghèo, hoàn cảnh đã khó khăn thì giờ sẽ chẳng có cách nào cho con họ có thể nhập học được nữa, họ chẳng có tiền cho con đi học dân lập, cũng chẳng có "mối quan hệ" để đưa con vào trường khác, rõ là lâm vào tình cảnh oái oăm. Việc dựa vào thứ tự ưu tiên gồm các mối quan hệ như con em hiệu trưởng, hiệu phó, con em giáo viên, ban phụ huynh, cán bộ công nhân viên, bảo vệ, chủ tịch phường, phó chủ tịch phường...và các vị có chức, có quyền, có tiền... khác rõ ràng đã gây ra sự bất công với các học sinh, việc dựa vào thứ tự ưu tiên này để tống cổ học sinh lại càng thêm phần vô lý. Nếu áp dụng thứ tự ưu tiên này, chúng ta có 3 giải pháp:
1. Có tiền
2. Có quyền nhờ vào các "mối quan hệ"
3. Ở nhà
Trong trường hợp này, đúng là con nhà giàu, có chức có quyền thì có thể đi học, còn con nhà nghèo thì ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, có muốn đi học cũng chẳng có cách nào khác cả. Phần lớn chúng ta đã đều chứng kiến những trường hợp này, nhưng chưa trực tiếp dính vào nên không để ý. Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 4 ở trường tiểu học Bạch Mai, một phụ huynh học sinh tới tận trường gặp cô giáo, tay xách chiếc túi giấy đựng bên trong là một chiếc đồng hồ Gimiko + một phong bì, với nguyện vọng đề đạt là đứa con trai sẽ nhận danh hiệu học sinh giỏi, dĩ nhiên lời cầu khẩn được chấp nhận. Rồi năm tôi học cấp 2, một hôm, cô Hương, là cô giáo dạy môn Địa Lý hỏi cả lớp rằng tối qua có bố mẹ ai tới thăm nhà cô, đó là cậu bạn thân của tôi, tên là B. L., rồi cô gửi lời cảm ơn và mời cậu ta lên bảng đọc bài. Cuối năm, điểm môn địa lý của cậu ta từ xấp xỉ 5,0 đã lên trên 9,0; cho đến giờ, tôi vẫn chưa biết cái "giá" để điểm phảy của một môn học có thể tăng lên hơn 4 phảy như vậy là bao nhiêu, có lẽ với một học sinh lớp 6 thì nó không nhỏ! Sang năm học cấp 3, tôi chẳng còn lạ gì với mấy cái "trò" như vậy nữa, tôi có vài người bạn cũng "nhảy" từ các trường khác sang, vì không đủ điểm vào học trường điểm như Thăng Long, họ phải học một kỳ ở những trường khác thấp điểm hơn như Hai Bà Trưng, Trương Định...rồi dựa vào mối quan hệ để tạo ra một "cú đột phá" (thành thật xin lỗi nếu bạn là người bạn mà tôi đang nói đến), và học sinh hiện tại mà tôi đang dạy cũng dựa vào "mối quan hệ" đó để vào được trường Thăng Long. Vào đại học, việc giảng viên đi xin điểm cho con là chuyện hết sức bình thường, rồi dựa vào chức quyền của mình để gạt SV khác ra, đưa con mình đi du học cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Tất cả những chuyện xảy ra mà chúng ta gặp hàng ngày vô tình đã khiến cho cảm xúc của chúng ta bị chai lỳ, những thứ đó dần trở nên quá quen thuộc và như một chân lý hiển nhiên đúng, vì thế mới có cái luật ưu tiên quái gở như ở trường hợp trên, khiến nhiều học sinh bị tai họa giáng xuống đầu và đang có nguy cơ thất học, dù sao đi nữa, "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa"...

0 comments: